Phao câu cá

Hướng dẫn cách làm phao câu lục tại nhà với chi phí giá rẻ và tiết kiệm

A. TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHAO CÂU

 

Trước khi hướng dẫn cách làm phao câu lục, xin phép nhắc lại tầm quan trọng của phao câu để anh em mình nhớ.

 

Làm sao để câu được cá? Câu trả lời là nhờ những biến động của phao câu giúp chúng ta có thể xác định, phán đoán cá đã cắn câu hay chưa? Như vậy, phao câu là phụ kiện câu cá đặc biệt quan trọng trong câu cá. Những người câu cá thường là những người kiên nhẫn bởi phải ngồi yên hàng giờ, chăm chú quan sát các động tĩnh của chiếc phao, phân tích động thái đó và cho phản ứng tức thì.

 

Tự làm phao câu lục

 

B. CẤU TẠO PHAO CÂU LỤC

Cấu tạo phao câu lục thì một chiếc phao câu lục thường có 4 phần chính:

 

  • Bầu phao
  • Cần phao
  • Mũ phao
  • Chân phao và ngoài ra còn có bộ phận gắn chân phao.

 

a. Bầu phao


Thông thường, bầu phao làm bằng các vật liệu có tỷ trọng nhỏ hơn nước như: xốp ép, gỗ li-e, gỗ gòn, gỗ balsa thì mới có thể nổi lên trên nước. Tùy kích cỡ chiếc cần cũng như mục đích sử dụng của người câu mà bầu phao lục có thể to hay nhỏ nhưng luôn có hình giọt nước.

 

Bầu phao câu lục

 

b. Cần phao


Phần này thường làm bằng thanh sợi thuỷ tinh, bạn có thể dùng đốt 1 của cần tay có bán tại các cửa hàng đồ câu. Theo cá nhân mình thấy thì loại này khá bền, thẳng, tiết diện nhỏ. Cần phao điện cũng dùng vật liệu này làm lõi, dây đồng dẫn điện quấn quanh cần phao, được phủ ngoài lớp keo bảo vệ hoặc gia cố quấn chỉ, phủ keo.

 

c. Mũ phao


Phần này có cầu tạo từ xốp, và có hình dáng rất đa dạng.

 

d. Chân phao

 

Chân phao thông thường được làm từ thanh sợi thuỷ tinh. Đồng thời, chân phao được vuốt nhọn để lắp vào bộ phận gắn phao. Chân phao của phao lục xa bờ làm bằng thanh kim loại tròn được bọc 1 lớp chì để đạt được trọng lượng phù hợp khi cân phao. Bên cạnh đó, chân phao có gắn khuyên để lắp vào bộ phận gắn phao chạy.

 

Khi đã nắm được một số đặc điểm chung đơn giản của phao câu, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo chiếc phao ưng ý.

 

C. CÁC BƯỚC LÀM PHAO CÂU

 

Bước 1. Làm bầu phao

 

Để bắt tay vào làm bạn cần đọc kỹ hướng dẫn làm phao câu lục, trước nhất bạn cần chọn vật liệu thích hợp. Thường người ta sử dụng xốp tủ lạnh cũ, xốp trong xác máy bay ( phế liệu), xốp cách nhiệt ở những tấm tôn hàng viện trợ cũ bởi những loại này rất cứng và độ nổi cao.


Cắt phao làm bầu

 

Khi đã chọn được vật liệu rồi, bắt đầu đến công đoạn tiện thô phao. Cá nhân mình chỉ cần dùng một chiếc máy khoan cầm tay là được. Bạn xuyên chân phao qua miếng xốp định tiện phao rồi găm vào máy khoan, sau đó bạn cần dùng giấy nhám (giấp giáp đánh bóng ở tiệm đồ mộc) loại thô để bào miếng xốp theo hình dáng phao mình mong muốn.

 

Làm bầu phao câu lục

 

Bước 2. Cuốn chỉ bảo vệ phao

 

Khi mài đến kiểu dáng ưng ý rồi bắt đầu đến giai đoạn cuốn chỉ cho bầu phao. Bạn cần cuốn chỉ để phao có độ bền, không thấm nước và để ... đẹp. Đây là công đoạn cần đến sự tỉ mỉ. Bạn không được để các lớp chỉ chồng lên nhau.

 

Để làm được điều ấy, cứ cuốn được vài vòng là bạn nhớ phải nhỏ keo 502 cố định ngay kẻo chỉ tuột. Khi đã cuốn xong chỉ, bạn cần nhỏ keo phủ hoàn toàn quả phao. Như thế, màu sắc của phao được quyết định từ màu sắc của chỉ. Nếu thích màu gì thì chọn chỉ màu đó là bạn đã có chiếc phao của riêng mình.

 

Quốn chỉ xung quanh bầu phao

 

Bước 3. Làm thân phao

 

Để cho phần bầu phao chắc chắn và cứng cáp hơn, dễ buộc vào cước câu hơn thì ta cần phải làm phần thân cho bầu phao, bạn có thể dùng lan hoa xe đạp để làm

 

Làm thân phao lục

 

Sau đó cắt bỏ phần cong ở đầu lan hoa xe đạp đi, dùng ống nhựa của thân kẹo mút của trẻ con để lồng vào thân lan hoa xe

 

 

Bước 4. Đánh bóng phao

 

Sau khi đã cuốn chỉ, nhỏ keo là đến giai đoạn làm đẹp cho phao. Chiếc phao của bạn có thể đúng chuẩn, dùng được nhưng sẽ thật thô ráp nếu không được làm sạch, đánh bóng. Để đánh bóng, bạn cần gắn phao trở lại máy khoan, chạy khoan với tốc độ vừa phải.

 

Tiếp đó, dùng giấy nhám nước loại gần mịn đánh cho quả phao hết gồ ghề do keo và chỉ gây ra. Khi đánh đến mức độ mịn cơ bản thì bạn lại lấy ra, nhỏ keo lại toàn bộ quả phao. Tiếp tục đánh với giấy nhám mịn hơn, vừa đánh vừa nhúng nước đến khi nào quả phao sờ thấy trơn tuột thì thôi.

 

Đánh bóng phao lại một lần nữa

 

Nếu bạn nào cẩn thận và công phu hơn thì phủ thêm một lớp keo nữa và đánh lại, lúc này quả phao đã bóng vừa phải. Muốn bóng đẹp hơn nữa thì dùng một miếng vải nhung dày hoặc vải Jean đánh đến khi nào bóng nhoáng thì thôi. Theo kinh nghiệm của mình cũng chỉ 1-2 phút là xong, quan trọng là bạn muốn.

 

Bước 5. Phơi phao thật khô

 

Phao sau khi đánh bóng xong lần nữa đã đảm bảo thẩm mý đẹp, chúng ta sẽ mang phao đi phơi

 

Phơi phao câu lục

 

Ngoài ra, nếu ai cầu kỳ hơn nữa thì có thể dùng sơn móng tay phủ một lớp mỏng lên quả phao, đánh giấy nhám hết phần gồ ghề, phủ lại keo 502 và đánh bóng tiếp, như thế, nhìn từ ngoài sẽ gần giống như phao gỗ... Bạn sẽ có một chiếc phao đúng chuẩn, đẹp, bóng, mịn….

 

LƯU Ý KHI LÀM PHAO LỤC

 

Ngoài phần hướng dẫn làm phao câu lục, bạn nên biết về những lưu ý khi làm. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà có phao ngày và phao đêm. Nếu nhìn tổng quát thì cách làm cũng tương tự như trên, tuy nhiên, có một vài điểm các bạn cần lưu ý như sau:

 

1. Phao câu ngày


a. Lục đầu cần


Phao lục đầu cần thường có bầu phao bé vì chỉ cần 2 tác dụng: báo hiệu và chống sóng (khi cần). Bởi câu đầu cần nên mũ phao cũng nhỏ, sát mũ phao. Khi làm phao này bạn chỉ cần sơn vài vạch sơn phản quang ở cần phao để dễ quan sát động tĩnh phao.

 

Thông thường, loại này luôn đi với bộ phận gắn phao cố định. Tuy nhiên, trong câu nước sâu cần chúng ta nên dùng với bộ phận gắn phao chạy.

Khi câu trong vạt bèo, bè muống, chúng ta cần làm phao lục ngắn để linh hoạt khi đặt lưỡi vào các khoảng trống nhỏ giữa các lá bèo. Vì thế loại này có cần phao, chân phao ngắn; phao dài từ 8 - 12 cm, nên khi làm bạn cần dùng loại gắn chân phao nhẹ, mềm.

 

Khi câu ở mặt nước trống, có sóng gió, bạn cần sử dụng loại phao chống sóng với cần phao mảnh, dài có khi tới 30cm, cả chiếc phao dài tới 40cm.

Mũ phao hình bầu dục nhỏ giúp làm giảm độ cản gió. Thêm đó bạn cần lưu ý làm bầu phao thon hơn và to hơn để có thể gắn thêm ít chì lá vào chân phao, giúp phao ổn định tốt hơn trong sóng gió.

 

b. Lục xa bờ

 

Phao lục xa bờ có thêm tác dụng mà phao lục đầu cần không có, đó là làm điểm tựa giúp cho lưỡi lên thẳng khi giật. Để đạt được điều đó, phao cần to và nặng. Nếu muốn làm loại phao này, bạn cần thêm rất nhiều chì vào chân phao. Câu càng xa, càng sâu thì phao càng to và nặng. Bầu phao thường rất to, đôi khi to hơn quả trứng vịt, đường kính tới 5 cm.

 

Khi làm loại phao này, có một động tác rất quan trọng là bạn cần “cân phao” trước khi đi câu. Thường thì mỗi cỡ lục dùng thích hợp với một cỡ phao.

 

Để cân phao, đầu tiên bạn cần một chai dầu ăn loại 5lít, cắt bỏ phận thu hẹp. Tiếp đó, bạn đổ gần đầy nước rồi thả phao vào và cân phao. Bạn cần giữ sao cho phao chìm gần hết bầu phao, cách chân của cần phao 1cm là được. Sau đó, bạn gắn lưỡi lục vào chân phao rồi thả vào chai nước, nếu phao nổi thì bạn cần thêm chì, nếu chìm quá nhanh, bạn cần bỏ bớt chì ra.

 

Trọng lượng của phao còn giúp cho bạn ném lưỡi ra dễ dàng, bởi thực chất bạn ném phao chứ không phải ném lưỡi.Cũng nhờ trọng lượng phao dồn vào chân phao nên bản thân phao lục xa bờ chống sóng rất tốt.

 

Phao to và nặng giúp loại bỏ những va chạm của các chú cá nhi đồng, tránh gây nhiễu cho cần thủ.

 

2. Phao câu đêm

 

Bóng tối của màn đêm sẽ làm giảm quan sát của người câu, khiến cho khả năng phán đoán và ứng biến chậm chạp, không chính xác. Chính vì vậy, điểm khác biệt cơ bản nhất khi làm phao đêm so với phao ngày đó chính là tạo ra ánh sáng.


- Có nhiều cách để tạo thành phao đêm, đa số dùng loại chuyên dụng có lắp pin và bóng đèn. Nó bao gồm bầu lắp pin có thể tháo rời khỏi bầu phao. Loại này rất sáng, sáng lâu. Tuy nó tiện dụng nhưng đắt tiền. Vì vậy, bạn cần cân nhắc khi làm.

 

- Loại thứ 2 là sử dụng chính phao ngày, nhưng gắn thêm que light stick khi câu tối. Tuy có tiết kiệm hơn nhưng ít được sử dụng trong thực tế bởi nó kém thẩm mỹ cũng như không tiện dụng, cản trở phản xạ khi giật câu.

 

Như vậy, tùy theo nhu cầu sử dụng khác nhau mà chúng ta có thể làm những chiếc phao câu thích hợp, dựa trên những lưu ý và cách làm chung mà mình đã hướng dẫn.

Việc làm phao câu lục không hề khó. Chỉ cần chút khéo léo và để tâm là bạn đã có thể làm được. Và với hướng dẫn làm phao câu lục trên đây thì tôi xin chúc các bạn có thể tạo ra những chiếc phao ưng ý, mang phong cách riêng của mình.

 

Rating
5
5
3 rating
4
0 rating
3
0 rating
2
0 rating
1
0 rating
Share comments about the product Write your comment
3 Rating
  • Võ Mỹ Trân

    Mong shop viết thêm nhiều bài viết hơn, Ok đã hiểu

    Reply 0 Like
  • Đao trong văn

    Rất chi tiết va chuẩn

    Reply 0 Like
  • trịnh nguyễn bảo nam

    cách này có vẻ tốt

    Reply 0 Like
Hỏi đáp
0 Comment